Da cam/Dioxin - Nỗi đau của người khuyết tật!
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam, ngày 10/8/1961 –  10/8/2021

Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% tổng số đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống miền nam Việt Nam. Khiến cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 03 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, không có một giây phút sống như người bình thường. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Trà vinh tiếp nhận tài trợ từ Hội Doanh nhân trẻ Việt nam

Toàn tỉnh Trà Vinh, hiện có hơn 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học do Mỹ thực hiện trong chiến tranh ở Việt Nam và có 1.290 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang được Nhà nước chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với những khó khăn, mất mát của gia đình các nạn nhân, để góp phần tạo động lực cho đối tượng phấn đấu vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác chăm lo đời sống, tham gia phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nạn nhân đúng theo Tôn chỉ của Hội; luôn quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền chính sách, pháp luật và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân trong toàn xã hội.

Tích cực tham gia vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống của dân tộc “Thương người như thể thương thân” đùm bọc, thương yêu giúp đỡ các nạn nhân về tinh thần, vật chất góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt khó khăn, tạo niềm tin, động lực để các nạn nhân chiến thắng bệnh tật, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội, thông qua các hoạt động thiết thực như: tổ chức họp mặt nhân các dịp lễ, tết, ngày vì nạn nhân da cam Việt Nam 10/8, đến tận nhà để thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sinh hoạt phí và vật phẩm sinh hoạt hàng tháng; các chương trình về nhà ở, nước sạch, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, chân giả, xe lăn, xe lắc,... kết quả mỗi năm, hỗ trợ cho khoảng 26.771 lượt đối tượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, và bệnh nhân nghèo toàn tỉnh, với tổng giá trị quy thành tiền gần 20 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, sinh năm 1983, ngụ ấp Xóm Vó, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, được nhận quà nhân “Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam, ngày 10/8/1961 – 10/8/2021”, nguồn kinh phí do tỉnh Hội đề nghị Quỹ an sinh xã hội tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 190.500.000 đồng thăm, tặng quà cho 635 nạn nhân da cam/dioxin nghèo trên địa bàn toàn tỉnh (mỗi phần quà trị giá 300 nghìn đồng tiền mặt)

Năm 2021, tròn 60 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau chất độc da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu và đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Thế nhưng, thay vì chấp nhận số phận, hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Trà Vinh nói riêng vẫn từng ngày cố gắng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, trở thành những tấm gương sáng tiêu biểu để mọi người học tập và noi theo. Trong số những tấm gương ấy, tiêu biểu có chị Hồng Thị Thúy Vân, sinh năm 1978, ngụ ở khóm 10, phường 7, thành phố Trà Vinh, hiện đang công tác ở Văn phòng Thành ủy và HĐND-UBND thành phố Trà Vinh. Sinh ra trong gia đình có 05 anh em, cha là Hồng Văn Tây, sinh năm 1951 là thương binh ¾, trước 30/4 tham gia cách mạng, sau đó bệnh được Nhà nước giải quyết cho nghỉ mất sức lao động và bệnh mất năm 1997. Dù bị liệt chân phải, đi lại không thuận tiện, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chị vẫn không từ bỏ ước mơ được học tập, được cống hiến của mình, từ năm 1997 - 2002, chị tham gia học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Trà Vinh chuyên ngành Tin học, với hy vọng sau khi ra trường chị sẽ có công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Minh chứng cho nghị lực và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của chị là vị trí việc làm hiện nay cũng như những thành tích mà chị xứng đáng được khen thưởng như: danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hàng năm, nhiều giấy khen, bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh,….

Trong những năm qua, lãnh đạo các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ các cấp, các đoàn thể và toàn xã hội cùng tham gia vận động trợ giúp bằng nhiều hình thức, đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã kịp thời giúp đỡ được nhiều gia đình nạn nhân có thêm niềm tin, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, Trà Vinh là tỉnh nghèo vùng ven, điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn thấp, lại chịu nhiều ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, đại dịch Covid-19,… Di chứng của chất độc da cam/dioxin đã để lại những dạng tật quái ác trên người nên các nạn nhân không đủ khả năng, điều kiện để tham gia lao động sản suất vì thế cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Các khoản trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và sự giúp đỡ của cộng đồng chưa đủ để họ chi tiêu cho các khoản phí sinh hoạt, thuốc thang hàng ngày và chưa thể bù đắp được so với những mất mát mà các nạn nhân và gia đình của họ đang phải gánh chịu. Có thể nói rằng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ họ vẫn cần lắm sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng xã hội, cần lắm cơ hội và điều kiện thuận lợi để họ chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xoa dịu nỗi đau về thể xác và cả nỗi đau về tinh thần mà họ đang phải ngày đêm chịu đựng. 

Xin phép được thay mặt cho hơn 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin tỉnh Trà Vinh, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý cơ sở Tôn giáo, quý mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần đoàn kết, chung tay giúp đỡ các gia đình nạn nhân da cam/dioxin nói riêng và người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo tỉnh Trà Vinh nói chung!

Phan Kiều

TIN TỨC
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 88
  • Tất cả: 275656